Nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND

Bài 1: Tăng cường tham vấn ý kiến Nhân dân, đối tượng chịu tác động

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 05:54 - Chia sẻ

Các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng luôn chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo, trình hồ sơ dự thảo nghị quyết ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng nghị quyết và trong suốt quá trình xây dựng để tiếp cận, nắm bắt kỹ các vấn đề, xác định những vấn đề trọng tâm cần thẩm tra; nghiên cứu, trao đổi, thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Cùng với đó, tăng cường khảo sát thực tế, lấy ý kiến cử tri, tham vấn ý kiến Nhân dân, đối tượng chịu tác động của chính sách, thu thập thông tin từ cơ sở để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra.

Nhiều yêu cầu mới, trọng trách nặng nề hơn

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, theo đó không còn HĐND ở cấp quận và phường. Với đặc thù như vậy, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND cấp thành phố được tăng cường với nhiều yêu cầu mới, trọng trách nặng nề hơn, nhất là trong tham mưu thực hiện chức năng quyết định; đồng thời, giám sát việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cấp quận, phường cần được tăng cường hơn.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế tiến độ thi công một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực y tế - ẢNH MINH TUYẾN
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế tiến độ thi công một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Minh Tuyến

Khi triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, HĐND thành phố phải bổ sung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như: Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngân sách của cả cấp quận, phường; giám sát hoạt động của UBND quận, phường, TAND, VKSND quận; có quyền chất vấn Thủ trưởng các cơ quan này cũng như lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận… Điều này có nghĩa là các Ban HĐND thành phố phải thể hiện vai trò đại biểu “ba trong một”, các báo cáo thẩm tra nhiều hơn, giám sát nhiều hơn; áp lực nhiều hơn, đi cơ sở nhiều hơn.

Luôn chủ động phối hợp ngay từ đầu

Với khối lượng công việc tương đối lớn của HĐND thành phố trong ban hành các quyết sách về nhiều chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương, để các nghị quyết của HĐND thành phố được ban hành đúng quy định, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và khả thi, các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng luôn ý thức phải nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết. Xem đây là tài liệu quan trọng để cung cấp thông tin định hướng cho các đại biểu HĐND thành phố khi tham gia thảo luận, chất vấn và góp ý đối với dự thảo các nghị quyết trình tại kỳ họp.

Công tác thẩm tra được Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng chủ động điều hòa, phân công nhiệm vụ cụ thể cho một ban chủ trì. Đối với các nội dung cần thiết có liên quan nhiều lĩnh vực, có sự phối hợp thẩm tra giữa các ban khác để bảo đảm kết quả thẩm tra trình kỳ họp được đánh giá toàn diện. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các Ban HĐND chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra, thu thập thông tin, nghiên cứu các quy định của pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và thực tiễn tình hình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Điều quan trọng là các Ban HĐND thành phố luôn chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo, trình hồ sơ dự thảo nghị quyết ngay từ khi bắt đầu triển khai công việc xây dựng nghị quyết và trong suốt quá trình xây dựng, tham dự các cuộc họp của UBND thành phố về các nội dung trình ra kỳ họp để tiếp cận, nắm bắt kỹ các vấn đề, xác định những nội dung trọng tâm cần thẩm tra; nghiên cứu, trao đổi, thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Các Ban tăng cường khảo sát thực tế, lấy ý kiến cử tri, tham vấn ý kiến Nhân dân, đối tượng chịu sự tác động của chính sách, thu thập thông tin từ cơ sở để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra làm căn cứ cho đại biểu thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu, các Ban HĐND chủ động mời cơ quan chức năng, chuyên gia tư vấn, tổ chức tham vấn ý kiến Nhân dân nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học. Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực HĐND thành phố chủ trì cùng lãnh đạo các Ban HĐND, lãnh đạo UBND trao đổi, thảo luận để bảo đảm sự thống nhất trước khi trình HĐND biểu quyết thông qua và trong tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Các Ban thường xuyên kiến nghị đưa nội dung giải quyết kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn, giải trình và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vào chất vấn tại kỳ họp HĐND và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, chương trình “HĐND với cử tri”… nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát, chất vấn, giải trình và giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, qua đó thể hiện trách nhiệm của HĐND thành phố trong theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đại biểu đã kiến nghị và ý kiến, kiến nghị của cử tri…

LÊ TRÀ